NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH HEN
Hen (suyễn) là một trong những bệnh mạn tính phổ biến trên thế giới ở nước ta, có xu hướng ngày càng gia tăng, tỷ lệ tử vong còn cao. Tổ chức y tế thế giới (WHO) ước tính hiện có khoảng 300 triệu người mắc bệnh hen trên phạm vi toàn cầu và đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên 400 triệu. Tỉ lệ mắc hen tăng nhanh chóng ở nhiều nước từ năm 1980, trung bình 10-12% trẻ dưới 15 tuổi, 6-8% người lớn. Việt Nam chưa có số liệu điều tra toàn quốc, ước tính khoảng 5%. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 250.000 trường hợp tử vong do hen, điều quan trọng hơn là 85% những trường hợp tử vong do hen có thể tránh được nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời. Hen làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống (nghỉ học, nghỉ việc, giảm năng suất lao động, tàn phế, chết sớm). Hen gây ra gánh nặng lớn cho người bệnh, gia đình và xã hội.
Hen là tình trạng viêm mạn tính đường thở, với sự tham gia của nhiều tế bào và thành phần tế bào, làm tăng tính đáp ứng đường thở (co thắt, phù nề, tăng tiết đờm) gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí đường thở, làm xuất hiện các dấu hiệu khò khè, khó thở, nặng ngực và ho tái diễn nhiều lần, thường xảy ra ban đêm và sáng sớm, có thể hồi phục tự nhiên hoặc do dùng thuốc.
Ở người bệnh hen các cơn hen có thể xãy ra với rất ít triệu chứng báo trước. Mức độ trầm trọng thay đổi qua từng giai đoạn. Nhiều người bị bệnh hen-hen đã học được cách xoay sở với căn bệnh của họ, họ tự đến bác sĩ chuyên khoa để khám bệnh đều đặn, có thông tin và kế hoạch điều trị đúng đắn, có thể góp phần hướng căn bệnh của họ theo chiều hướng mong đợi.
Các tác nhân gây ra cơn hen bao gồm dị ứng nguyên và các chất gây kích ứng trong môi trường có thể gây ra các triệu chứng hen hay các cơn hen. Có nhiều tác nhân gây hen có thể làm trầm trọng hơn triệu chứng hen, và thường khác nhau cho từng người.
Người bệnh có thể góp phần ngăn chặn các triệu chứng hen qua việc xác định và tránh xa các tác nhân gây hen đã được biết đối với chính mình. Trong thực tế, việc xác định và tránh các tác nhân gây hen nên là một phần của một kế hoạch chi tiết để giúp kiểm soát thành công bệnh hen.
Có thể không hoàn toàn loại trừ được hết tất cả các tác nhân gây cơn hen, nhưng người bệnh vẫn nên cố gắng loại bỏ càng nhiều càng tốt các tác nhân gây hen ở nhà và nơi làm việc của mình. Điều này có thể giúp người bệnh tận hưởng một cuộc sống khỏe mạnh hơn với các triệu chứng ít hơn và các cơn hen ít xảy ra hơn.
Các tác nhân dưới đây thường là các tác nhân gây hen, hãy tìm hiểu xem mình có thể làm thế nào để tránh chúng: thuốc lá́, bụi, thú nuôi trong nhà, nấm mốc trong nhà, khói, mùi nặng và các dạng bụi nước, phấn hoa hoặc nấm mốc ngoài trời, vận động thể lực, thời tiết, các tác nhân khác như: thức ăn, rượu, một số thuốc uống như thuốc chữa tăng huyết áp, thuốc chữa đau khớp…
Điều gì sẽ xảy ra đối với người bị bệnh hen không được kiểm soát (không kiểm soát là không được điều trị dự phòng cơn hoặc điều trị chưa đúng đắn). Đa số những người bị hen có một hay nhiều hơn những triệu chứng sau:
-
Khò khè: tiếng rít thường nghe được khi thở ra. Tiếng rít này được chính bệnh nhân cũng có thể nhận ra.
-
Ho: ho có thể kéo dài và thường hay xảy ra. Ho cũng là dấu hiệu nặng của cơn hen ban đêm. Ho rất dễ bị nhầm lẫn với những bệnh khác. Đặc biệt ở Việt Nam, một số bệnh nhân bị ho do hen được chẩn đoán nhầm là viêm phế quản, viêm họng hay thậm chí được chẩn đoán là ho lao. Một số bệnh nhân bị hen chỉ có biểu hiện duy nhất là ho, đặc biệt là nửa đêm về sáng.
-
Nặng ngực: cảm giác giống như lồng ngực bị bóp chặt.
-
Khó thở: thở thấy khó khăn, đặc biệt là thở ra.
Các triệu chứng này có thể xảy ra nếu không điều trị hay điều trị không đúng, hoặc khi tiếp xúc với chất kích ứng gây ra cơn hen.
Dưới đây là một số câu hỏi mà có thể giúp bạn đánh giá bạn có bị hen hay không? Nhớ rằng: chỉ có bác sĩ của bạn mới có thể xác định bạn có bị hen hay không? Trong những câu hỏi này, một khi là bạn trả lời là “có”, bạn hãy ghi lại trang này và mang đến phòng khám chuyên khoa để trao đổi cùng bác sĩ .
-
Khi vận động, bạn có bị ho hay khó thở không?
-
Bạn có nghe thấy tiếng khò khè – cò cữ trong ngực bạn không?
-
Bạn có bị ho hay khó thở khi trời rất nóng hay rất lạnh không?
-
Bạn có bị ho hay khó thở hay không khi tiếp xúc với vật nuôi, bụi, khói thuốc lá hay các chất kích ứng khác?
-
Khi ngủ, bạn có phải thức dậy do khó thở hay ho hay không?
Điểm cốt yếu của hen là: ngay cả khi bạn không để ý đến nó, viêm đường dẫn khí luôn tồn tại. Đường dẫn khí của bạn bị viêm dù bạn đang có triệu chứng hen hay không có triệu chứng hen. Đó là lý do hết sức quan trọng là tại sao bạn phải điều trị hen mỗi ngày – ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe – do ngày càng có nhiều bằng chứng chứng minh rằng – nếu không được điều trị, hen có thể gây suy hô hấp mạn tính.
Mục đích điều trị hen:
Với sự phát triển trên thế giới về y- dược, các thuốc điều trị hen hiện nay có thể giúp bạn có một sống khỏe mạnh, năng động với rất ít các triệu chứng hen. Thật vậy, nếu điều trị đúng, bạn có thể:
-
Tham gia đầy đủ các hoạt động hàng ngày như làm việc hay học hành cũng như có thể tham gia các hoạt động thể dục thể thao.
-
Giảm thiểu các triệu chứng hen như ho, khò khè, nặng ngực và khó thở.
-
Có được giấc ngủ đêm trọn vẹn (bệnh nhân bị hen nếu không được kiểm soát tốt hen, rất dễ bị thức dậy lúc nửa đêm về sáng do các triệu chứng của hen).
-
Giảm thiểu số lần phải nhập viện vì hen.
-
Duy trì chức năng hô hấp bình thường hoặc gần bình thường, và giúp ngăn chặn tổn thương đường dẫn khí vĩnh viễn.
-
Tránh được hay giảm thiểu tối đa các tác dụng không mong muốn của thuốc điều trị hen.
Muốn chữa hen tốt cần có sự hợp tác giữa bệnh nhân (hay bố mẹ của bệnh nhi hen) với bác sĩ .Bệnh nhân hen không nên tự điều trị.
Cách dự phòng dài hạn:
Chúng ta đều biết rằng nếu hen không được điều trị, viêm đường hô hấp sẽ làm giảm hoạt động chức năng phổi về lâu về dài và thậm chí làm tổn thương vĩnh viễn.
Cũng có bằng chứng rằng nếu không được điều trị đúng cách, theo thời gian hen sẽ trở nên trầm trọng hơn. Đó chính là lý do chủ yếu khiến bạn phải đi trước một bước bằng cách tuân thủ kế hoạch điều trị mà bạn và bác sĩ đã thảo luận.
Điều đó có thể đồng nghĩa với việc sử dụng thuốc dự phòng hàng ngày, chẳng hạn như một thuốc kháng viêm dạng hít. Cách dự phòng này có thể giúp giảm thiểu các triệu chứng hen và giảm thiểu tổn thương đường hô hấp của bạn.
Để dùng thuốc thật sự có lợi, rất cần trò chuyện cởi mở với bác sĩ của bạn. Hỏi bác sĩ cách sử dụng thuốc như thế nào cho đúng, và có cần phải điều chỉnh điều trị hay không.
Ngoài ra, để chẩn đoán và theo dõi kết quả điều trị bệnh hen (cũng như một số bệnh khác của đường dẫn khí), bác sĩ của bạn sẽ phải sử dụng các các thiết bị như Dụng Cụ Đo Lưu Lượng Đỉnh (Peak Flow Meter – Lưu Lượng Đỉnh Kế), máy Đo Chức Năng Hô Hấp (Spirometer – Phế Dung Kế).
Các thuốc điều trị hen:
Thuốc điều trị hen nói chung được xếp thành 2 nhóm: thuốc dùng dài hạn (thuốc dự phòng) và thuốc cắt cơn hen.
Thuốc được dùng cho bệnh hen có thể chia làm 2 loại: thuốc dùng đường toàn thân (uống, tiêm, truyền tĩnh mạch) và đưa trực tiếp vào phổi người bệnh hít qua bình xịt định liều hoặc hít qua máy phun khí dung.
* Bác sĩ của bạn sẽ cung cấp cho bạn thông tin:
- Về bệnh hen
- Cái gì gây ra hen
- Những yếu tố gây khởi phát hen và cách tránh.
- Điều trị hen
- Vai trò của các thứ thuốc
- Làm thế nào sử dụng đúng cách.
- Khi nào cần tới lời khuyên và sự giúp đỡ của bác sĩ.
* Bạn là bệnh nhân hoặc bố mẹ của bệnh nhi hen cần:
- Hiểu được kế hoạch hành động về hen. Bất cứ một nghi ngờ thắc mắc gì thì đặt ra với bác sĩ của bạn.
- Dùng thuốc đều đặn như toa thuốc đã hướng dẫn. Với bố mẹ bệnh nhi hen phải theo dõi sát sao việc sử dụng thuốc: đúng thuốc, đúng liều.
- Loại bỏ các yếu tố gây hen, nhất là khói thuốc lá do nghiện ngập hay hút thuốc thụ động.
- Định kỳ đến khám Bác sĩ để đánh giá lại hen, có thể tham gia Câu lạc bộ người hen, các phòng quản lý bệnh nhân hen để được hướng dẫn, chăm sóc và nâng cao các kiến thức về hen. Tốt nhất là nên đến khám định kỳ, thầy thuốc vẫn chăm sóc bạn, đã biết rõ độ nặng nhẹ của bệnh, hoàn cảnh gia đình, nghề nghiệp, môi trường sống của bạn.
- Bạn có thể đến thăm, khám bệnh sớm hơn dự định nếu bạn có triệu chứng không đáp ứng với sự tăng liều thuốc như kế hoạch hành động hen của bạn đã chỉ dẫn.
- Bạn có thể có lời khuyên đúng đắn về hen từ bác sĩ chuyên khoa của bạn chứ không phải từ bạn bè, thân thuộc hay hàng xóm. Hen của mỗi người khác nhau. Lời khuyên thích hợp với người này không nhất thiết có ích cho người khác.
Bác sỹ Lê Huy Thuần